Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2017

Phép trị liệu bằng yoga (Phần 2)

Asana và sức khỏe
Asana làm cho thân thể bạn mềm dẻo, trí óc minh mẫn. Chúng xoa dịu các dây thần kinh, các tuyến nội tiết, làm cho não được thư giãn, duy trì sự thăng bằng về thể chất, sinh lý và cảm xúc. Việc thực hành thường xuyên các asana làm tăng lòng tự tin và nghị lực của bạn. Thực hành các asana bôi trơn các khớp, tăng sự linh hoạt, đem lại nhận thức cho bạn về từng cơ, từng khớp xương và cơ quan trong cơ thể bạn. Sự kết hợp khác nhau của các tư thế cải thiện tầm cử động của các cơ bắp và khớp xương, giúp điều chỉnh thẳng thớm bên phải và bên trái cơ thể.
Các asana chữa bệnh cho bạn như thế nào?
Các asana dựa trên các nguyên tắc đơn giản của việc co giãn, gập, xoay và thư giãn. Những cử động này có tác động rất đa dạng lên các hệ thống cơ quan của cơ thể và sẽ hoặc là chữa bệnh, hoặc kích thích, hay cô lập những cơ quan bị bệnh. Cùng lúc, đây là một thái độ mang đầy tính thiêng liêng, nhắm tới việc tẩy sạch và tăng cường từng cơ quan, từng đoạn xương, từng tế bào của cơ thể. Yoga là sự kết hợp của phương pháp trị liệu sinh lý, tâm lý và tâm linh, một môn khoa học điều trị không phân biệt giữa thân thể vật chất và thân thể sinh lý.
Các asana là những tư thế mang tính thể chất, sinh lý và tâm lý, thông qua đó chúng ta xây nên nhiều chiếc đập trong cơ thể chúng ta, máu và năng lượng được chuyển tới những chiếc đập, sau đó chúng mở ra rất tuần tự, cho phép các cơ quan hấp thu máu tươi và năng lượng có tác dụng chữa trị. Khi một bộ phận trong cơ thể bị mắc bệnh, nó bị mất đi cảm giác. Trong lúc thực hành các tư thế để trị bệnh, năng lượng từ các đập không ngừng tuôn chảy đến các vùng bị nhiễm bệnh, đó là sự khởi đầu cho một quá trình trị liệu.
Điều quan trọng là phải tác động dần dần từ các vùng ngoại vi đến khu vực bị nhiễm bệnh. Trước hết, các cơ quan ngoại vi của cơ thể phải được rèn luyện, tăng cường và đưa vào nề nếp hoạt động tốt. Chỉ khi đó, cơ quan bị nhiễm bệnh mới nhận được sự tác động của tập luyện. Tuy nhiên, đôi khi gặp trường hợp bệnh mới phát sinh, có thể trực tiếp tác động để ngăn ngừa bệnh phát triển thêm nữa.
Bộ não và cơ thể
Một khía cạnh rất quan trọng của phương pháp trị liệu bằng yoga là nó dạy cho chúng ta kiểm soát các tác động của trí não lên cơ thể. Thuật ngữ "trí não" ở đây được sử dụng ở nghĩa rộng nhất, bao trùm cả trí não và trí tuệ. Và bao gồm suy nghĩ, kinh nghiệm và trí tưởng tượng. Năng lượng từ não khuếch tán đến các bộ phận khác nhau của cơ thể dưới dạng năng lượng sống và có tác dụng chữa trị. Thực hành yoga dạy cho não của bạn bình thản và thụ động, chấp nhận và làm dịu sự đau đớn, chứ không phải đánh vào nó. Nguồn năng lượng lẽ ra bị tiêu hao để đối phó với stress và sự đau đớn thì lại được chuyển sang để chữa trị bệnh.
Cuối cùng, mục tiêu của yoga là dạy cho bộ não và cơ thể phối hợp công việc nhịp nhàng với nhau. Các tư thế đặc biệt tác động lên các cơ quan khác nhau của cơ thể, cho dù đó là hệ hô hấp, hệ tuần hoàn, hệ tiêu hóa, hoóc môn, hệ miễn nhiễm hay hệ sinh sản. Cho nên, sự kết hợp và sắp xếp trình tự của các asana phải được tuân theo để quá trình trị liệu mang hiệu quả. Hãy tuân theo sự tuần tự bài tập đã được chỉ định cho bệnh tình của bạn, hãy sắp xếp lịch thực hành chúng. Không nên nản lòng, nếu bệnh tình của bạn phải có thời gian để điều trị, hãy ghi nhớ: Sự kiên trì là cốt lõi thành công của yoga.

Read More

Yoga và thể lực

Phần lớn các loại hình thể thao đều mang tính cạnh tranh. Yoga mặc dù không mang tính cạnh tranh, nhưng lại đầy thách thức. Đó là sự thách thức đối với bản lĩnh cá nhân. Đó là cuộc đọ sức giữa con người, thể xác, và bản ngã chân thật của bạn.
Các bài luyện tập thể dục thường bao gồm những động tác nhanh và mạnh. Chúng thường được lặp đi lặp lại và đưa bạn đến trạng thái ráng sức, căng thẳng và mệt nhoài. Ngược lại, các thế tập asana bao gồm những động tác đem lại sự ổn định cho cơ thể, cho các giác quan, tinh thần, trí tuệ, tâm thức và cả lương tâm của bạn nữa. Cái cốt lõi của mỗi một asana chính là sự giữ cố định tư thế – một trạng thái không phải để kết thúc thế tập, mà là để bạn chiêm nghiệm được sự tĩnh lặng trọn vẹn.
Phần lớn bệnh tật phát sinh do những biến đổi thăng trầm trong não và trong kiểu cách hành vi của cơ thể chúng ta. Thực hành yoga đem lại sự yên tĩnh cho não và trong kiểu cách hành vi của cơ thể chúng ta. Các giác quan được nghỉ ngơi, các cảm xúc đều thay đổi, tất cả đều dẫn đến cảm giác bình an nhờ sự thoát ly thế giới thực tại. Với thực tiễn, các học viên yoga sẽ học cách xem bộ não là đối tượng, còn cơ thể là chủ thể. Năng lượng phát tán từ não đi khắp các bộ phận khác của cơ thể. Khi đó, não và cơ thể cùng nhau làm việc và năng lượng của cả hai đều được cân bằng.
Vì thế mà yoga được gọi là sarvaanga sadhana, có nghĩa là "phép luyện tập kì diệu". Không có loại hình thể dục nào lại liên kết cả ý thức, "cái tôi" và thể xác vào một thể phát triển thống nhất và hài hòa như yoga cả. Các hình thức luyện tập khác chỉ nhắm vào một bộ phận nào đó của cơ thể. Những hình thức luyện tập này được gọi là angabhaga sadhana hay là "bài tập thể lực".
Các bài tập đem lại sự hưng phấn
Các thế tập yoga đem lại sự phấn chấn, trong khi các hình thức luyện tập chịu đựng khác lại có tính kích thích. Ví dụ như, các chuyên gia y khoa công bố rằng môn đi bộ thúc đẩy hoạt động của tim. Trên thực tế, mặc dù nhịp tim của người đi bộ có tăng lên, nhưng nó không hề được kích thích theo đúng nghĩa nạp đầy năng lượng và sinh lực như yoga. Trong yoga, ví dụ như động tác gập lưng đòi hỏi sức mạnh thể lực nhiều hơn cả so với đi bộ, nhưng nhịp tim vẫn được giữ ổn định, nhịp nhàng.
Các thế tập asana không khiến bạn thở gấp. Khi thực hành yoga, sức mạnh và uy lực đóng các vai trò khác nhau nhằm đạt được sự cân bằng hoàn hảo trong toàn bộ cơ thể và trong ý thức. Sau mỗi buổi luyện tập như vậy sẽ xuất hiện cảm giác tươi mát và một luồng năng lượng mới mẻ tuôn trào.
Các hình thức luyện tập khác cũng có thể gây mệt mỏi. Nhiều loại hình bài tập đòi hỏi sức chịu đựng và sức mạnh thể lực, chúng thường dẫn đến tình trạng kiệt sức trong khoảng 10 – 15 phút sau buổi tập. Rất nhiều các bài tập như vậy đã cải thiện mức năng lượng bằng cách thúc đẩy chức năng thần kinh, tuy nhiên, cuối cùng thì nó lại làm kiệt sức các nguồn tế bào dự trữ và các tuyến nội tiết. Các độc tố tế bào tăng lên, và mặc dù sự tuần hoàn được thúc đẩy, nhưng với cái giá là các cơ quan khác của cơ thể bị kích thích thái quá, nhịp tim và huyết áp tăng. Kết cục là quả tim bị thúc ép làm việc quá mức.
Ở các vận động viên, dung tích phổi lớn đều đạt được bằng cách phải làm việc mạnh mẽ và cật lực. Điều này không thích hợp cho việc bảo vệ buồng phổi của bạn. Hơn thế nữa, các bộ môn thể dục thông thường như chạy bộ, tennis hoặc đá bóng đều thường xuyên gây chấn thương cho xương, khớp và dây chằng của bạn.
Các hình thức thể thao này đơn thuần chỉ tác động vào các hệ xương cốt và cơ bắp. Chúng không thể vượt xa hơn các giới hạn này. Nhưng các asana thì lại thâm nhập vào từng tầng, từng lớp và tới tận tâm thức của bạn. Chỉ với yoga, bạn mới có thể giữ cho thể xác và tinh thần cùng thư giãn, ngay cả khi bạn đang co duỗi, xoay hay gập cơ thể của bạn.
Không giống các loại hình thể thao khác, yoga đem lại sự dẻo dai cho hệ thần kinh, khiến nó có thể đối đầu với stress. Mặc dù các hình thức luyện tập đều đem lại cho bạn cảm giác sảng khoái, nhưng chúng cũng gây căng thẳng cho cơ thể. Yoga làm tươi mát cơ thể trong khi chúng lại không làm cho cơ thể bị kiệt sức. Yoga tác động đồng đều lên mọi bộ phận của cơ thể và không làm quá tải một bộ phận riêng lẻ nào.
Có thể thực hành yoga ở bất cứ lứa tuổi nào
Tuổi tác càng cao, các bài tập thể lực mạnh mẽ sẽ càng khó thực hiện, bởi vì các khớp xương và cơ bắp cứng lại, mất đi sự mềm dẻo của chúng. Ví dụ như những người có tuổi không thể thực hành bài tập thể hình, vì chúng làm bong gân, đau nhức khớp xương, gây căng thẳng và làm thoái hóa các hệ cơ quan trong cơ thể. Ưu thế lớn nhất của yoga là mọi người ở mọi lứa tuổi, giới tính và tình trạng thể lực đều có thể thực hành nó.
Thực chất, yoga đặc biệt có ích cho lứa tuổi trung niên và cả những người lớn tuổi. Yoga chính là món quà tặng cho những người già khi mà khả năng chống chọi và tự chữa bệnh của họ đã bị suy yếu. Yoga làm phát sinh năng lượng và không hề làm tiêu hao nó. Có yoga, chúng ta có thể mạnh dạn nhắm đến một tương lai lành mạnh hơn, thỏa mãn hơn, chứ không chỉ là tiếc nuối quá khứ trẻ trung của mình.
Khác với các bài tập thể dục khác, yoga tập trung các tế bào miễn nhiễm vào khu vực bị nhiễm bệnh và vì vậy làm tăng khả năng đề kháng. Chính vì vậy mà các nhà hiền triết xưa kia đã gọi yoga là môn khoa học vừa mang tính phòng ngừa, vừa mang tính trị liệu.

Read More

Nguồn gốc và tác dụng chữa bệnh của các asana cổ (Phần 1)

Nguồn gốc các tư thế yoga, tức các asana chìm đắm trong sương mù của các truyền thuyết cổ Ấn Độ. Theo các nguồn gốc ấy, thần Shiva đã vạch ra 84.000 tư thế khác nhau để chỉ dẫn các bài tập thể dục thích hợp giữ cho con người có sức khỏe và giúp cho nó đạt tới sự hiểu biết về mình ở trình độ cao.
Trong các tư thế đó có 84 kiểu ngày nay còn phổ biến, và có khoảng 20 – 30 tư thế sử dụng để bảo vệ và phục hồi sức khỏe. Nếu như các tư thế này không bắt nguồn từ thần Siva thì chúng được thảo ra bởi các Rishi và Maharshi, những bậc cao thủ yoga đã nắm được các khoa sinh lý học, vật lý học, bị ngộ nhận là "siêu tự nhiên", kỳ diệu nhất. Những tư thế này đến với chúng ta, trải qua hàng nhiều thế kỷ đã được kết tinh dưới hình thức ngày nay.
Ngoài các tư thế dùng chủ yếu để chiêm ngưỡng suy tưởng, thì phương pháp Pranayama và các Mudra (các bài tập luyện tính kiên trì và tập trung tư tưởng), các tư thế gọi là thể dục (asana) đều có lợi nhất cho cơ thể con người. Có lẽ chẳng nên mô tả bằng những lời lẽ quá huênh hoang những hiệu quả hầu như siêu phàm của các asana đối với cơ thể con người và vai trò của chúng trong sự bảo tồn sức sống và tăng cường sức khỏe.
Ai cũng biết rất rõ rằng, về mặt vật lý, sức khỏe của cơ thể ta tùy thuộc ở trạng thái các tế bào và các mô. Muốn được khỏe mạnh các mô cần có:
1) Một chế độ nuôi dưỡng đều đặn và một sự vận động hoàn hảo của các tuyến nội tiết.
2) Sức thải đầy đủ và nhanh chóng các chất cặn bã.
3) Một sự vận động lành mạnh và hoàn hảo của hệ thần kinh.
Vậy thì rõ ràng là hệ tiêu hóa và hệ tuần hoàn phải thật hoàn hảo để có thể cung cấp các mô chất protein, đường, chất béo, muối khoáng và các yếu tố quan trọng khác. Bây giờ, chúng ta hãy xem các asana tác động đến các cơ quan tiêu hóa và sự lưu thông của máu như thế nào.
Trước tiên hãy xem hiệu quả asana đối với hệ tiêu hóa. Các cơ quan của bộ máy tiêu hóa (dạ dày, ruột non, lá lách, gan, v.v…) đều ở trong khoang bụng, phía dưới dựa trên khung chậu và dọc hai bên dựa vào một hệ thống cơ bắp mạnh mẽ. Bà mẹ tạo hóa của chúng ta đã bảo đảm cho các cơ quan này một sự xoa bóp nhẹ nhàng và đều đặn bằng các động tác của cơ hoành trong khi ta thở, do đó hỗ trợ cho sức vận động của chúng.
Các asana không những chỉ cung cấp cho các cơ bụng một sự xoa bóp bên ngoài, mà còn là một cách rèn luyện bên trong duy nhất mà không một phương pháp thể dục nào trên thế giới có thể bì kịp. Về phương pháp chữa bệnh, có một việc đã được thừa nhận là các cơ bắp chỉ có thể giữ được sức mạnh và tính dẻo dai khi chúng buộc phải vận động co giãn.
Trong các bài asana Bhujangasana (Rắn hổ mang), Shalabhasana (Con châu chấu), và Dhanurasana (Cái cung), có một số bài đáng ca ngợi nhất về mặt làm giãn cơ bụng và làm co cơ lưng. Trái lại trong bài yoga-mudra (Dáng yoga), Pashchimatasana (Ngồi cúi gập người), Padahastasana (Con cò – đứng gập người), và Halasana (Cái cày) co cơ bụng lại, cơ lưng giãn ra. Bài Vakrasana (Vặn mình), và bài Ardha-Matsyendrasana (Vặn mình biến thể) rèn luyện dọc hai bên cơ lườn bụng. Bài Shalabhasana (Con châu chấu) là bài luyện phổi và cơ lưng hoàn hảo nhất.
Tuy nhiên, chính trong các asana Uddiyana (thót bụng), và Nauli (súc ruột) bộc lộ rõ hơn vẻ đẹp của các bài tập yoga. Mặc dù chúng thuộc các loại asana khó nhất, nhưng đạt được quyền làm chủ đối với chúng cũng là rất bõ công vì chúng có một hiệu quả tuyệt vời kỳ lạ đối với cơ bụng và các cơ quan nội tạng. Bài thứ nhất Uddiyana (thót bụng) xoa bóp theo chiều thẳng đứng các cơ quan nội tạng và ngoại tạng, còn bài thứ hai Nauli (súc ruột) xoa bóp theo chiều ngang. Vậy mà, sức mạnh của các cơ bụng lại rất quan trọng, không chỉ để xoa bóp đều đặn các cơ quan bên trong mà còn để duy trì các cơ quan này đứng nguyên tại chỗ trong khoang bụng. Ở đấy, chúng được treo tự do hoặc móc chặt ít nhiều vào thành bụng, do đó cần có một chỗ dựa vững chắc ở phía trước để ngăn chặn không cho chúng sa xuống (sa dạ dày, ruột, sa thận, sa tử cung, v.v…). Và các tư thế yoga không chỉ bằng xoa bóp tự động nhằm duy trì trương lực của các cơ bụng và các cơ quan trong khoang bụng, mà còn giúp cho các cơ quan này nằm yên tại chỗ.
Vì lưu thông máu là để đem các yếu tố dinh dưỡng từ bộ máy tiêu hóa đến với các mô, nên hệ tuần hoàn có một tầm quan trọng số một. Ấy vậy mà tim là cơ quan tuần hoàn quan trọng nhất, và ai cũng biết quả tim là một khối cơ bắp rất khỏe. Và chính cơ tim cũng có thể trở nên khỏe hơn, bền bỉ hơn do những bài tập yoga. Bài Uddiyama và Nauli nén trái tim từ phía dưới bằng cách nâng cơ hoành lên.
Cũng cần nhớ lại rằng người ta có thể duy trì một cơ bắp ở trạng thái hoàn hảo bằng những sức nén luân phiên. Thế nhưng quả tim lại nằm trong vùng trung thất và bất kỳ sự tăng hay giảm sức ép nào nhất thiết cũng ảnh hưởng đến tim. Các tư thế Rắn hổ mang, Con châu chấu, Cây cung, Đứng trên vai, Cái cày đặt toàn bộ trái tim dưới những áp lực luân lưu trong phần đầu của bài tập, và do đó tích cực duy trì các cơ quan của hệ tuần hoàn trong trạng thái khỏe khoắn.
Trong tất cả cơ quan này, yếu nhất là các tĩnh mạch, nhưng lại phải hứng máu từ tất cả các bộ phận trong cơ thể và chống lại trọng lực để đưa máu về tim. Sự dâng lên này gây cho các thành tĩnh mạch mỏng manh yếu ớt một gánh nặng, do đó chứng giãn tĩnh mạch đã làm bao nhiêu người kêu ca. Hơn bất cứ cơ quan tuần hoàn nào khác các tĩnh mạch cần được hỗ trợ nhiều nhất.
Từ hàng nghìn năm nay, các nhà hiền triết bậc thầy ở Ấn Độ đã biết rằng có thể làm cho các mạch máu khỏe thêm bằng các bài tập như bài Đứng bằng đầu (Shirshasana) và Đứng trên vai (Sarvangasana), do lộn ngược cơ thể làm cho máu dễ dàng trở về tim. Những tư thế này, hàng ngày trong nhiều phút đã làm giảm bớt sức ép cho các tĩnh mạch nhằm tăng thêm rất nhiều tuổi thọ. Hiệu quả của chúng thật đáng ngạc nhiên. Phút chốc nghỉ ngơi của các mạch máu đạt được trong lúc tập các asana, cũng đủ để chúng hồi phục lại một cách đầy đủ. Thậm chí có thể chữa lành chứng giãn tĩnh mạch nếu hàng ngày luyện asana khoảng vài phút. Và điều này không phải là khó tin như người ta vẫn tưởng, khi chúng ta nghĩ tới khả năng ghê gớm của cơ thể con người có thể tự phục hồi nếu như ta đặt nó trong những điều kiện tốt lành.
(Còn tiếp…)

Read More

Nguồn gốc và tác dụng chữa bệnh của các asana cổ (Phần 2)

Chúng ta cũng không coi nhẹ sự nuôi dưỡng đầy đủ các mô và sự hấp thụ oxy. Tư thế Con châu chấu (Shalabhasana) là tinh hoa của việc rèn luyện hoàn hảo cho hai lá phổi, vì thế còn gọi là Pranayama asana. Khi luyện bài này cần phải hít sâu và giữ hơi với áp lực cao trong phổi trong vài giây cho đến khi kết thúc bài tập. Nếu thực hiện asana này mỗi ngày hai, ba lần ta có thể tăng thêm sức mạnh, giữ ở trạng thái tốt nhất, bởi nhịp tuần hoàn mạnh mẽ, đến tận túi phổi nhỏ nhất, đến tận tế bào cuối cùng của phổi.
Các asana rửa sạch các khí quản đến mức một số tư thế bổ sung cho tác dụng của Pranayama. Trong rất nhiều trường hợp, nó bảo vệ chúng ta chống viêm amidan và cảm gió, bài Đứng trên vai (Sharvangasana), Cái cày (Halasana), Con cá (Matsyasana) là những bài tuyệt diệu phòng chống sơ nhiễm amidan và có thể thậm chí chữa khỏi cảm sốt.
Sức mạnh của các mô, và do đó sức mạnh của toàn bộ cơ thể người ta không chỉ tùy thuộc vào chế độ ăn uống thích hợp, mà còn ở tính chất hoạt động hoàn hảo của các hạch nội tiết. Những tuyến quan trọng nhất trong số này là tuyến yên, tuyến giáp trạng, tuyến nước mũi, tuyến thượng thận, tuyến sinh dục, v.v… Một sự hoạt động không thích đáng và không đầy đủ của một trong số tuyến này đủ có thể gây những rối loạn nghiêm trọng nhất. Các asana sau đây hoàn toàn phù hợp để duy trì tuyến giáp trạng luôn luôn khỏe mạnh: Đứng trên vai (Sharvangasana), Cái cày (Halasana), Con cá (Matsyasana). Bài Sharvangasana làm cho tuyến nước mũi và tuyến yên được khỏe, bài Uddiyana và Nauli làm cho tuyến sinh dục được tốt.
Điều kiện tiên quyết thứ hai cần cho sức khỏe các mô là việc bài tiết hoàn toàn các chất cặn bã: axit cacbonic, axit uric, nước tiểu, phân, mồ hôi. Nếu vì một lý do nào đó, các chất độc đó vẫn lưu cữu trong người lâu quá mức cho phép, chúng có thể gây rối loạn trầm trọng. Và chúng chỉ có thể hoàn toàn bị loại ra khi các cơ quan hô hấp, bài tiết và tiêu hóa hoạt động hoàn hảo. Các bài Uddiyana, Nauli, Rắn hổ mang (Bhujangasana), Cái cung (Dhanurasana) có tác dụng làm cho thận vững mạnh.
Điều kiện tiên quyết thứ ba cần cho sức khỏe của các mô là tính chất hoạt động hoàn hảo của hệ thần kinh. Yếu tố quan trọng nhất của hệ này là não, kèm với tủy sống vững mạnh nằm trong cột sống và hai giải thần kinh giao cảm. Từ não và từ cột sống các dây thần kinh tỏa đi khắp các bộ phận của cơ thể. Mạng lưới dây thần kinh này hoàn bị đến mức không có một mẩu nhỏ nào của mô trong cơ thể mà lại không tiếp xúc với nó. Nếu vì lẽ gì đó các dây thần kinh bị thoái hóa, các mô không hoạt động tốt nữa, và nếu những mối liên hệ thần kinh ngừng tiếp xúc một bộ phận nào đó của cơ thể hoặc nếu những mối liên hệ đó bị thủ tiêu, thì bộ phận cơ thể đó bị tê liệt. Nếu dây thần kinh đại tràng bị thoái hóa thì ruột già không hoạt động tốt nữa mà gây ra táo bón hay viêm ruột mãn tính ngay. Nếu một trong những dây thần kinh ở mặt bị đứt hay liệt, các cơ phụ thuộc vào dây đó sẽ không thể co lại được.
Hệ thống cổ đại các asana Ấn Độ đã có một tác dụng rất tốt đối với hệ tiêu hóa, với các tuyến nội tiết và các cơ quan bài tiết mà cũng rất tốt với hệ thần kinh. Các bài yoga chủ yếu tác động đến các cơ bụng và cột sống. Khi tăng cường cột sống và các cơ liên quan đến nó, chúng ta duy trì được các dây thần kinh chui ngang qua cột sống, đồng thời các dây thần kinh giao cảm. Cũng giống như vậy các asana tăng sức mạnh cho các dây thần kinh ngực bụng, lưng và sườn. Khi mang máu tươi mát lên đầu, các asana thích ứng sẽ mở mang các khả năng tinh thần (trí nhớ, hoài bão, ham thích lao động, v.v…) và giúp chúng ta làm chủ chính mình. Người nào muốn thực hành yoga tinh thần tức là Raja yoga tốt nhất là hãy bắt đầu từ những bài tập của Hatha yoga.
"Hãy tin ở tạo hóa, rồi mày sẽ tin ở chính sức mạnh của bản thân mày. Hãy công bằng rồi cuộc đời sẽ công bằng với mày. Hãy điều độ trong mọi biểu hiện của cuộc đời mày thì mày sẽ sống lâu trên cõi đời này. Hãy yên tĩnh cùng với sự yên tĩnh của ban mai. Hãy tin ở tương lai như tin ở mặt trời mọc. Hãy coi như thế giới đang ở trong trạng thái thoải mái, yên tĩnh. Bởi vì dù sao người nào sáng tạo ra thế giới và giữ gìn nó thì trông nom cả cho mày nữa".
Với ý nghĩ như vậy, chúng ta tạo ra một bầu không khí trong sáng ở trong ta và xung quanh ta mà thế là chúng ta có thể bắt đầu ngay những bài tập của mình.

Read More

12 cách yoga đánh thức vị nữ thần trong bạn

Mỗi Yogini (nữ tập Yoga) đều biết rằng ẩn sâu bên trong mình luôn ngự trị 1 vị nữ thần. Chúng ta thường nhanh chóng quên đi sức mạnh tiềm ẩn bên trong này. Yoga không chỉ là những tư thế và hay bài tập Chào mặt trời. Đây là một cách rèn luyện quyền năng và tinh tế có thể giúp bạn thay đổi cách nhìn về thế giới. Yoga còn là một phương pháp giúp ta quay về bản chất thật với một sức mạnh toàn vẹn nhất.
Sau đây là 12 cách Yoga giúp đánh thức vị nữ thần vốn luôn ngự trị bên trong  bạn.
Tự tin
Khi bạn nhìn vào một nữ thần, bạn thấy sức mạnh của sự tự tin tỏa sáng. Chính ánh nhìn trong đôi mắt ấy nhắc bạn nhớ rằng sức mạnh này vẫn luôn tiếp diễn. Những tư thế mở rộng lồng ngực như Rắn hổ mang, Chiến binh 1, 2, hoặc Tam giác mang đến một nguồn năng lượng tương tự, nhắc ta nhớ rằng trên đời này mọi việc dù khó khăn đều có thể vượt qua tốt.
Đẹp rạng ngời
Giữa vô vàn hỗn độn, yoga vẫn khiến bạn luôn đẹp rạng ngời. Thậm chí trong những ngày bộn bề nhất, chuỗi các tư thế Tấm ván hay Cây cầu cũng đủ giúp bạn cảm thấy quyến rũ, năng lượng tràn trề và đầy sức sống.
Không danh hiệu
Yoga giúp bạn đi sâu vào phần thánh thiện và không thay đổi của chúng ta. Phần tâm hồn luôn luôn đẹp, tự tin bất kể là thế giới đang nói gì về bạn. Không danh hiệu, không phán xét – chỉ vẻ đẹp rạng ngời bên trong mà thôi.
Luôn tươi mới
Khi bạn hoàn tất bài tập và tuôn chảy mồ hôi, bạn đi ra ngoài với 1 thần thái tươi mới, 1 góc nhìn hoàn toàn yêu đời, tích cực, và bạn cũng cảm nhận tốt hơn về cơ thể của mình. Việc tiết mồ hôi giúp bạn thanh lọc thân tâm, trông tươi mới từ trong ra ngoài và đây là phần thưởng xứng đáng bạn có được.
Để trái tim hát
Bạn có bao giờ hát trong lúc rửa chén bát, hát du dương trong lúc đang tắm. Yoga là lý do đằng sau đó. Cảm giác yêu đời thôi thúc bạn phải ca lên, nhảy múa lên chính là lúc vị nữ thần bên trong bạn muốn thể hiện với thế giới này
Mạnh mẽ
Những nữ thần thì mạnh mẽ. Yoga giúp bạn mạnh mẽ cả về tinh thần lẫn thể chất. Với sức mạnh này, bạn không thể bị đánh bại trước thử thách cuộc sống. Cảm giác này đến với bạn trên thảm tập khi lần đầu tiên bạn thực hiện thành công 1 tư thế thách thức như tư thế đầu đứng hoặc bò cạp. Một khi bạn đạt được 1 điều gì mà bạn khao khát, bạn biết nó xảy ra bởi vì bạn đã dũng cảm vượt qua giới hạn của chính mình.
Dáng điệu khoan thai
Yoga giúp bạn trở nên ý thức hơn về dáng điệu. Nhờ việc luyện tập và việc chú tâm vào chỉnh sửa cơ thể, tư thế bạn sẽ ngày càng được cải thiện. Những tư thế như Cái cây hay Chó úp mặt cho phép lưng bạn thon hơn, quyến rũ hơn và trông bạn cao hơn nữa. Bạn có bao giờ thấy dáng điệu khoan thai thần thánh của 1 vị  nữ thần chưa?
Cân bằng tâm trí
Một số ngày bạn ăn salad và tập Yoga. Ngày khác, bạn ăn bánh cupcakes và chẳng bao giờ nổi quạu. Đó được gọi là cân bằng. Yoga đưa chúng ta đến 1 trạng thái dễ dàng thích nghi, trái ngược với phản ứng thái quá, vì thế bạn duy trì môt trạng thái cân bằng và tạo sức mạnh hành động như một nữ thần.
Luôn nói Có
Việc luyện tập Yoga giúp bạn loại bỏ một số từ ra khỏi từ điển. Những từ như không hay không thể, khó lắm. Khía cạnh tiêu cực từ từ rời khỏi cuộc sống bạn. Bạn trở nên cởi mở với mọi cơ hội và nâng cao khả năng không giới hạn trước những thách thức cuộc sống.
Bình tâm với việc không biết chuyện gì xảy ra
Đôi khi trong cuộc sống, bạn phải trải qua khó khăn, thử thách, những trận chiến và nhiều lúc rối bời đến nỗi không có câu trả lời. Rời khỏi thảm tập, Yoga chỉ bạn rằng cũng sẽ ổn nếu chưa có bất kỳ giải pháp gì hoặc không biết điều gì sẽ xảy ra kế tiếp. Một trạng thái bình tâm trước vô vàn biến động. Điều này không phải là thái độ thờ ơ hay bàng quang trước khó khăn, mà sự bình tâm giúp trí tuệ bạn được mở ra, sức sáng tạo tiềm năng đến một cách tự nhiên trong trạng thái này.
Chấp nhận những cái gai
Không có gì sai với việc biết được bản chất có phần thô ráp của mình. Đôi khi bạn quá mẫn cảm với những lỗi lầm của mình, điều này khiến bạn thường rút vào vỏ ốc. Sau một chuỗi các tư thế và đổ mồ hôi từ đầu tới chân, bạn đang học cách chấp nhận thực tại chính mình. Cũng giống cách bạn té khỏi 1 tư thế và quay trở lại. Yoga nhắc bạn chấp nhận những khuyết điểm cũng như sai lầm. Trong Yoga, bạn nhắc chính mình rằng chúng ta "không hoàn hảo một cách hoàn hảo".
Kết nối với năng lượng thiên nhiên
Liên tục kết nối với năng lượng thiên nhiên bằng cách dành thời gian với đất mẹ. Một cách hay đó là đi chân trần trên cỏ và nằm trên đất. Bạn kết nối với mặt đất ngay khi bạn trên thảm và hít thở một cách khoan khoái,bạn trở nên nhẹ nhàng với mọi việc xung quanh. Bạn cho phép đất mẹ ôm lấy bạn trong vòng tay yêu thương và làm bạn lắng đọng bằng tình yêu của thiên nhiên bao la.
Đấy bạn đã có 12 cách mà việc luyện tập Yoga làm tỏa sáng vẻ đẹp thánh thiện bên trong mình. Mỗi vị nữ thần đều có những khoảnh khắc an lạc không gì so sánh được. Tiếp tục luyện tập, tin tưởng ở chính bạn và nhớ rằng vị nữ thần luôn ngự trị bên trong bạn. Đơn giản bằng việc bạn tiếp tục kết nối với nữ thần ấy, khai mở sức mạnh thật sự bên trong bạn.
Bài viết được dịch bởi yogadaily.vn

Read More

11 dấu hiệu nhận biết bạn cần phải tập yoga

Bạn có cho rằng mình hoàn toàn khỏe mạnh, cả về thể chất và tinh thần? Bạn có cho rằng mình luôn giải quyết tốt mọi việc xảy đến trong cuộc sống? Nếu câu trả lời là không thì chắc chắn bạn cần cân nhắc tới việc theo đuổi một bộ môn có thể giúp mình lấy lại cân bằng, năng lượng và sự quân bình trong tâm trí. Yoga chính là phương pháp lý tưởng giúp bạn đạt được mục đích ấy. Nếu bạn còn chưa chắc chắn về câu trả lời, hãy xem 11 dấu hiệu dưới đây để thấy rằng mình có thực sự cần có yoga trong cuộc đời không nhé!
Bạn không được nghỉ ngơi
Bạn hoàn toàn bị kiệt sức nhưng bằng cách nào đó bạn vẫn không được nghỉ ngơi. Bạn nhận ra rằng mình đang bị ràng buộc bởi những lo lắng và không thể nào thư giãn được. Thời gian như lướt trên đầu ngón tay mà bạn vẫn chưa làm được gì. Kết hợp những kĩ thuật thư giãn của yoga, bạn sẽ nhận ra những căng thẳng của mình và học cách giải tỏa chúng, cũng như làm cho khoảnh khắc hiện tại trở nên như một bản nhạc.
Bạn không thể ngủ
Tâm trí bạn đang chạy đua với những suy nghĩ không thể kiểm soát, bạn thậm chí không buồn ngủ cũng như không thể ngủ được. Chính nguyên nhân này làm bạn cảm thấy mệt mỏi từ lúc bắt đầu mở mắt thức dậy cho đến khi tiếp tục lên giường đi ngủ. Não bạn cần được thư giãn, kết hợp thiền, để giải tỏa bớt những gì không đem đến lợi ích cho chính mình, kể cả suy nghĩ thoáng qua gây trở ngại cho việc thư giãn và nghỉ ngơi.
Bạn không giữ đúng tư thế
Nhiều người trong chúng ta đang làm công việc văn phòng đòi hỏi nhiều giờ liền phải ngồi trước màn hình máy tính. Khi xương sống của bạn không được giữ thẳng, có thể bạn sẽ cảm thấy cổ và lưng mình bị đau, yoga cũng giúp bạn nhận ra những điều này, bạn sẽ biết được ra khi nào lưng mình bị gù và kịp thời chỉnh lại nó.
Bạn không thể tự quyết định
Nhiều khi ngay cả những việc nhỏ nhất cũng khiến bạn lưỡng lự. Những người xung quanh khó chịu về điều này. Nó làm ảnh hưởng đến khả năng ra quyết định của chúng ta. Yoga sẽ giúp bạn tập trung vào những suy nghĩ đúng đắn, xua tan lo lắng. Những mục tiêu của bạn sẽ không bị sự mất cân bằng và bối rối làm phân tán. Kết quả là bạn sẽ cảm thấy mọi việc sẽ đều như mình dự tính và nằm trong tầm kiểm soát của bản thân.
Bạn không thể kiểm soát cảm xúc
Bạn hay phản ứng quá mức trước mọi tình huống. Những phản ứng đó hoàn toàn nằm ngoài sự kiểm soát. Bạn thấy như muốn thét lên vì không thể kiểm soát được cảm xúc của mình. Tất cả những phản ứng này là kết quả của việc thiếu đi sự yên bình bên trong. Thực hành yoga sẽ giúp bạn ổn định tinh thần, giải tỏa những căng thẳng và nhận ra tất cả chỉ là thoáng qua.
Cơ thể bạn hoàn toàn căng cứng
Từ lúc bắt đầu bước chân ra khỏi giường, không gì có thể làm bạn bớt căng cứng như cúi gập người, quay lại đột ngột hoặc thậm chí, việc với lấy một thứ gì đó cũng làm bạn cảm thấy đau. Chạm vào đầu ngón chân? Hãy quên việc đó đi! Chúng ta vẫn chưa giỏi mà. Điều quan trọng là phải bắt đầu, những tư thế yoga sẽ làm cho cơ bắp bạn được kéo căng và giúp bạn chuyển động linh hoạt nhẹ nhàng.
Bạn rất hay quên
Bạn không thể tập trung vào một thứ nên việc hoàn thành một công việc nghe có vẻ là điều bất khả thi. Một bộ phim? Quên đi. Một dự án? Bạn phải mất gấp 3 lượng thời gian để hoàn thành nó. Những kĩ thuật tập trung trong yoga, như giữ thăng bằng trên một chân kết hợp với hơi thở, sẽ giúp bạn chống lại việc đi lệch hướng một cách hiệu quả.
Bạn thường hay thở không đều
Bạn có thể nhận ra việc mình thở mỗi lúc khác nhau, thở rất nông. Yoga giúp bạn tập trung vào hơi thở, để ý đến hơi thở. Bạn sẽ thấy việc hít thở của mình hoàn toàn sai. Phổi của bạn giống như một trái bóng, bởi vậy càng hít thở sâu bao nhiêu, bạn càng làm cho phổi của mình được căng lên tối đa bấy nhiêu. Thở sâu hơn, tâm trí bạn càng bình tĩnh hơn.
Bạn thường cảm thấy ngại ngùng
Việc chúng ta lập được thành tích khi cảm thấy thoải mái với cơ thể của mình là điều mà xã hội ngày nay không chú ý tới. Khi được thư giãn từ tâm trí đến thể chất, bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn và điều đó cũng ảnh hưởng tích cực đến những người xung quanh. Bạn sẽ dễ dàng thư giãn trong mọi tình huống nhờ vào việc tập luyện yoga.
Bạn đang chọn những điều không lành mạnh
Khi gặp rắc rối, bạn thường hay ăn nhiều hoặc uống cho say khướt để che đậy sự mất cân bằng. Bạn đang chôn giấu nỗi buồn bằng việc chè chén, ăn những thức ăn không có lợi cho sức khỏe. Hoặc như, bạn muốn quên đi những căng thẳng của mình bằng việc uống rượu trong nhiều giờ.
Những lúc như vậy, bạn hãy hỏi bản thân mình bằng cách nào để những thói quen có thể giúp cơ thể bạn làm điều đúng đắn. Thực hành yoga sẽ đem lại hạt giống sức khỏe, hạnh phúc cho một hành trình lâu dài – và còn cuộc hành trình nào có thể quan trọng hơn hành trình này?
Bạn cảm thấy mình không thể chia sẻ cảm xúc với người khác
Bạn cảm thấy mọi thứ đã vượt quá sức mình, nhưng ngay khi có ai đó tìm cách quan tâm để hiểu bạn hơn thì bạn lại khép mình lại. Bạn cảm thấy không thoải mái khi mở lòng và chia sẻ vì sợ hãi hay sợ bị phán xét. Yoga giúp bạn nhận ra sự thật, nó dạy bạn vượt qua các giới hạn và tìm được bình an.
Nếu có bất kì dấu hiệu nào ở trên, bạn nên bình tâm suy nghĩ lại để nhận ra điều gì là cần thiết cho mình. Hãy bắt đầu thực hiện từng bước một để đem đến điều tốt nhất cho bản thân bạn. Yoga không có gì khác hơn là giúp chúng ta trở nên tốt hơn ngay từ bên trong. Thế giới của yoga luôn mở rộng cửa chào đón bạn.
Phương Thảo dịch (Nguồn MBG)

Read More

Yoga – Cho một cuộc sống tràn đầy cảm hứng

Khi một người lựa chọn yoga là điều không thể thiếu cho đời mình, người đó đồng thời đã lựa chọn một cuộc sống đầy cảm hứng và sự tỉnh thức.
Ngày nay, yoga phổ biến trong xã hội đến nỗi hầu như ai cũng có biết đôi chút về nó. Với nhiều người, yoga đơn giản là một liệu pháp cho sức khỏe thể chất và tinh thần. Tuy nhiên, những người thực sự thực hành yoga hiểu rằng môn rèn luyện thân tâm này có nội hàm thâm sâu hơn thế. Các hành giả yoga Ấn Độ cổ xưa thông qua các tư thế (asana) nhằm đạt tới sự hợp nhất thân thể – tâm trí, hợp nhất con người – vũ trụ và thăng hoa đến cái Vô Hạn. Yoga, trong nghĩa đó, chính là một con đường đưa hành giả tới những mục tiêu tâm linh.
Giờ đây, khi yoga đã phổ truyền ra ngoài xã hội, người thực hành yoga có mặt trong mọi tầng lớp, thành phần, bởi vậy mà mục tiêu "giác ngộ" không còn là đích đến cốt lõi duy nhất của những người thực hành yoga nữa. Mọi người học yoga vì những lý do khác nhau. Người để cải thiện sức khỏe, người để giảm cân, người để loại bỏ stress, v.v… Dầu vậy, sau khi đã đạt được hết thảy những mục tiêu này, người ta sẽ nhận thấy mình đang chạm tới điều gì đó lớn lao hơn thế.
Yoga giúp rèn luyện một tâm trí mạnh mẽ
Tâm trí mạnh mẽ, tức là một tâm trí trong sáng, không chịu những tác động tiêu cực từ đời sống này, đồng thời biết rõ mình muốn gì và luôn hướng về mục tiêu với một năng lượng không gì cản nổi. Người có tâm trí mạnh mẽ sẽ dễ dàng đạt được những mục tiêu của bản thân, đó cũng là người có khả năng tự chủ cao, không để cuộc sống dẫn dắt.
Tại sao những tư thế yoga lại có thể giúp người ta rèn luyện được một tâm trí mạnh mẽ? Có nhiều asana mà để thực hiện được rất khó, nó đòi hỏi người tập phải chịu đau không ít về thể xác. Mà tinh hoa đạo học phương Đông luôn nhấn mạnh rằng thể xác và tinh thần là nhất tính, vậy thì quá trình mà cơ thể gò ép vào kỷ luật, chịu đựng sự đau đớn cũng chính là quá trình tâm trí hướng sâu vào bên trong để tự thanh lọc, tự rèn luyện.
Bên cạnh đó, người tập yoga cũng phải thật kiên trì, nhẫn nại. Bạn có thể nhìn thấy đó đây trên Instagram những tấm hình chụp một yogi trong tư thế thật ngoạn mục, tuyệt đẹp và đầy cảm hứng. Dĩ nhiên đó không phải là những điều người ta có thể đạt được sau vài tuần hay vài tháng, đó phải là kết quả sau nhiều tháng năm ròng tập luyện. Nếu bạn muốn chinh phục một số asana nào đó, thì những asana này phải trở thành nếp sống hàng ngày của bạn. Và nhờ đó, theo thời gian, tâm trí bạn sẽ trở nên hướng nội. Bạn sẽ có thể bình thản chịu sự đau đớn, bạn sẽ có thể nhẫn nại, có thể kiên trì tới cùng trong mọi việc, làm điều gì cũng có thủy có chung, không buông bỏ giữa chừng. Đó chẳng phải là một tâm trí mạnh mẽ sao?
Yoga giúp thiết lập một tâm trí tỉnh thức
Sau một thời gian lâu dài theo đuổi yoga, người tập lúc này đã vượt qua giai đoạn xem yoga là một môn thể thao. Thân thể và tâm trí họ đã được kỷ luật khắt khe của yoga đào tạo, trở nên thật hài hòa, cân bằng. Thân thể lúc này không còn bệnh tật, và họ cảm nhận được một năng lượng sống êm dịu chảy trong từng tế bào. Tâm trí cũng tĩnh tại, bình an, họ không dễ bị cảm xúc dẫn động trước bao nhiêu biến cố xảy ra trong đời thường hối hả. Đây là lúc mà người thực hành yoga có thể đạt tới cái thoáng thấy về sự hợp nhất.
Có một năng lượng sống chung nhất đang bao bọc tất cả mọi người, mọi vật trong vòng tay. Đó là Thượng Đế, là Tạo hóa hay một danh từ nào đó mà người thực hành yoga có thể nghĩ ra. Điều quan trọng là người đó đạt tới nhận thức rằng vũ trụ này thật rộng lớn, tất cả đều có mối liên hệ với nhau, và sinh mệnh mình chỉ là một phần tử bé nhỏ trong hệ thống khổng lồ ấy. Bản ngã trở nên vô nghĩa, và đây là bước quan trọng để người thực hành yoga có thể hướng tới một cuộc sống đầy cảm hứng. Bởi, cuộc sống làm sao có thể thực sự tươi mới và hạnh phúc nếu mỗi ngày người ta cứ phải lăng xăng để bảo vệ cho bản ngã khỏi bị tổn thương?
Yoga giúp hướng tới một cuộc sống đầy cảm hứng
Bất cứ người thực hành yoga lâu năm nào cũng sẽ nhận thấy rằng, yoga mang lại cho mình một cuộc sống đầy cảm hứng. Dĩ nhiên, cảm hứng có sâu sắc, toàn vẹn và dài lâu hay không thì còn tùy thuộc vào mỗi người. Đó là cuộc sống mà người ta có thể cảm nhận được niềm vui trong việc "cho đi" mà không mong "nhận lại", niềm vui trong việc chia sẻ, niềm vui trong những hoạt động cộng đồng.
Xem nhẹ bản ngã chính là chiếc chìa khóa màu nhiệm để tất thảy mọi việc trong cuộc sống trở nên thật nhẹ nhàng và mang một nguồn vui lớn lao. Đây là một trong những điều tuyệt vời nhất mà yoga có thể mang tới cho bạn. Không chỉ là cảm hứng sống, yoga còn khơi nguồn cảm hứng sáng tạo của bạn. Khi từ bỏ cái tôi và thể nhập được sự vô hạn của vũ trụ, những linh cảm, ý tưởng sẽ đến với bạn dễ dàng hơn. Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều nhà tạo mẫu, nhà thiết kế, doanh nhân… đề cao tầm quan trọng của yoga trong cuộc sống họ. Bởi yoga, trên một phương diện nào đó, là con đường đưa họ đi về phía chân trời của sáng tạo.
Yoga thực sự có thể mang lại cho bạn nhiều điều hơn bạn nghĩ. Không chỉ là sức khỏe, vóc dáng, sự bình an, tĩnh tại, v.v… mà còn là sự thăng hoa trong tư duy, tâm trí và linh hồn. Bạn sẽ tìm thấy cách để hòa nhập với cuộc sống này, cách để mọi thứ trong đời bạn vận hành một cách trôi chảy, và cách mà bạn có thể sống một cuộc sống đầy cảm hứng, đầy thăng hoa.
Nguồn bài viết: ttnn.com.vn
Read More