Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2017

Vận động yoga và những tác động lên cơ thể

Các bài tập Yoga tác động lên mọi mặt của cơ thể. Trước nhất nó làm cho các khớp xương, cột sống mềm dẻo, mạnh mẽ, linh hoạt, nó còn có tác dụng kéo nắn các khớp bị sai lệch. Tiếp theo là tác động lên hệ cơ bắp, gân khoeo, dây chằng từ nông tới sâu, kể cả những dây chằng bên trong nội tạng. Tác động lên hệ thống các tuyến nội tiết để điều phối các hormone giúp cho cơ thể luôn ở trạng thái cân bằng ổn định. Sau cùng là nhờ sự chuyển động đa dạng của cột sống kéo theo sự vận động của tất cả các nội tạng và hệ thần kinh, giúp chúng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình đối với cơ thể.
Cột sống nâng đỡ toàn thân bạn, một chuỗi đốt sống với những đĩa xương sụn ở giữa kéo dài từ ót đến xương cùng. Những đĩa sụn này có một nhân dịch thể. Khi cột sống chịu một áp lực đè lên trong khi đứng, dịch thể của đĩa sụn bị ép lại và đĩa sụn trở nên dẹp hơn. Khi áp lực mất đi, đĩa sụn lại trở về trạng thái ban đầu. Khi bạn thức dậy vào buổi sáng, bạn sẽ cao hơn trước khi bạn đi ngủ vào buổi tối. Khi bạn về già, các đĩa sụn mất đi khả năng đàn hồi, chúng bị dẹp lại và bạn mất đi chiều cao. Khi đĩa sụn ép vào các khớp ở sau cột sống nó có thể dẫn đến đau nhức.
Cột sống đủ mềm mại và đủ mạnh để giúp cho bạn đứng thẳng và bảo vệ dây thần kinh cột sống. Đây là dây thần kinh chính. Chỉ có một sự xoay chuyển rất nhỏ giữa các đốt sống nhưng với vô số đốt sống, cột sống tiềm tàng một độ mềm dẻo rất lớn.
Đứa trẻ khi còn là thai nhi nằm cuộn tròn bên trong bụng người mẹ với đốt sống còn rất mềm và chủ yếu là sụn. Sau khi đứa trẻ sinh ra, cột sống hình thành 4 điểm uốn cong: cong ở cổ khi đầu người ngước lên, cong ở eo khi đứa trẻ bắt đầu tập đi, ở hông và ngực, cột sống uốn cong ra ngoài là chính. Bốn chỗ cong này cân bằng với nhau khi bạn đứng thẳng và xương sống đỡ toàn bộ trọng lượng của đầu và thân trên.
Các đốt sống được liên kết với nhau bằng các khớp và các dây chằng, các thân đốt khớp với nhau bằng các đĩa sụn gian đốt sống. Suốt theo chiều dài của cột sống ở mặt trước và mặt sau các thân đốt có các dây chằng dọc trước và sau bám vào. Bài tập Yoga làm duỗi cột sống qua các tư thế và cải thiện sự cân bằng ngã sau, cúi về trước, nghiêng phải, nghiêng trái, xoay phải, xoay trái, nó giữ cho cột sống mềm dẻo và cơ bắp xung quanh khỏe mạnh.
Xương: Một số xương tạo thành ba cái “hộp” bảo vệ cơ quan nội tạng. Xương đầu tạo thành hộp sọ bảo vệ não bộ. Xương sườn, xương ngực và cột sống tạo thành lồng ngực bảo vệ tim và phổi trong khi xương hông tạo thành khung chậu. Cơ thể vận động mềm mại khi các “hộp xương” này cân bằng với nhau dưới sức hút của trọng lực. Bốn chỗ cong ở xương sống tự động điều chỉnh khi bạn di chuyển và trọng lượng cơ thể đặt đều lên mỗi chân.
Khớp: Là nơi các xương liên kết với nhau nhờ các mô liên kết, sụn khớp và ổ khớp. Để các khớp xương xoay chuyển dễ dàng, chúng ta cần sử dụng hết các chiều vận động của khớp. Nếu chúng ta không làm được điều này, đến một lúc nào đó động tác hoặc tư thế làm việc giới hạn và chúng ta bắt các khớp xương làm việc quá căng. Ví dụ như nếu một bên hông bị co cứng, nó sẽ làm đầu gối chân đó căng ra quá mức. Vận động không hợp lý làm vặn các khớp xương có thể là yếu tố góp phần vào bệnh sưng khớp.
Khi các tư thế Yoga được thực hiện cùng với những hiểu biết về cấu trúc cơ thể, nhịp thở và sự nhu thuận, nó sẽ hồi phục các tư thế tự nhiên và không bao giờ làm chấn thương các khớp xương.
Hai khớp xương vai cộng với phần cơ xương khớp vùng đầu cổ là những khớp xương có biên độ hoạt động rộng và nhiều trong cơ thể, và cũng là nơi làm cho nhiều người căng thẳng nhất.
Khớp khuỷu: có động tác chính là gấp nhờ các cơ mặt trong cánh tay, động tác duỗi nhờ các cơ mặt ngoài. Ở đây có dây chằng cánh tay trụ và dây chằng cánh tay quay ở hai bên rất chắc, ngoài ra còn có các dây chằng ở khớp quay trụ trên mà động tác chính là sấp ngửa. Phần cẳng tay có hai xương chính đó là xương trụ nằm về phía của ngón út, xương quay nằm về phía ngón cái.
Khớp bàn ngón tay: Là khớp nối giữa mặt dưới đầu dưới xương quay với các xương cổ tay. Khi chống bàn tay, trọng lượng truyền qua xương quay xuống bàn tay. Các xương cổ tay gồm xương thuyền, xương nguyệt, xương tháp, xương đậu, xương thang, xương thê, xương cả, xương móc tiếp khớp với nhau như một lồi cầu nhờ các dây chằng gian cốt trong cổ tay. Mặt trên các xương đều có sụn khớp che phủ thành mặt khớp liên tục.
Hông: Khớp hông là khớp chỏm lớn nhất của cơ thể và có cấu trúc bao gồm các hình cầu và hốc. Đầu xương hình cầu nằm ở chỏm xương đùi nối vào hốc xương hông ở khung chậu. Chúng có phạm vi xoay chuyển lớn và chịu gần như toàn bộ trọng lượng cơ thể, nên chúng rất dễ suy yếu đi.
Phần mông bao gồm 4 đốt xương cùng dính vào nhau và kết thúc ở khung xương chậu. Khi bạn đứng hay ngồi thẳng, trọng lượng cơ thể được phân bố đều và cơ bắp ở mỗi bên cơ thể làm việc như nhau. Nếu bạn đứng hay ngồi nghiêng qua một bên, thế cân bằng này bị phá vỡ và cột sống bị lệch.
Đầu gối: Đầu gối giống như một “cái bản lề” co vào duỗi ra, khi bạn co chân, đầu gối hơi xoay ngang. Trong Yoga, người ta thường nghĩ rằng tư thế giống như tư thế Hoa sen cần một xoay chuyển bất thường ở đầu gối. Thật ra trong tư thế Hoa sen xuất phát từ sự xoay xương đùi trong hốc xương hông và không kéo căng đầu gối. Trục trặc nảy sinh khi người ta cố gắng kéo chân vào tư thế Hoa sen trước khi xoay khớp xương ở hông. Để đảm bảo an toàn trong tập luyện nên khởi động kỹ càng khớp háng, khớp gối và khớp cổ chân trước khi ngồi Hoa sen.
Bàn chân: Xương bàn chân đỡ toàn bộ trọng lượng cơ thể chúng ta, nó đóng vai trò như một cái giảm xóc khi chúng ta bước đi, thích nghi với mọi địa hình khác nhau. Bàn chân có cấu trúc giống như một mái vòm. Có hai chỗ lõm vào ở dọc theo bàn chân, một ở ngoài từ gót chân đến ngón chân út và một sâu hơn từ gót chân đến ngón chân cái. Trọng lượng cơ thể sẽ dồn lên xương gót chân với các ngón chân choãi ra để giúp chúng ta giữ thăng bằng.
Bài tập Yoga làm co duỗi cột sống, chúng rèn luyện cơ bắp và xương, giữ cho cơ thể khỏe mạnh và mềm mại. Khi các tư thế thực hiện cùng với sự hít thở sâu chậm, chúng sẽ kích thích hệ thần kinh trung ương, hệ hô háp, hệ tuần hoàn, hệ tiêu hóa, giúp cho bạn luôn tự chủ. Các bài tập Yoga không làm tăng nhịp tim, không tiêu hao năng lượng. Tư thế Yoga làm dịu cơn co cứng và căng thẳng, giúp tái tập cân bằng bên trong cột sống, phục hồi sức khỏe, tạo sự ổn định, phát sinh nội lực. Khía cạnh này của Yoga trở nên đặc biệt quan trọng với tất cả mọi người.
Trong thời gian thực hiện các tư thế (Asanas), vùng vận động của thần kinh trung ương được hưng phấn, sự hưng phấn này lan tỏa đến các bộ phận khác của cơ thể giúp cho các bộ phận này được cải thiện. Hoạt động của tuyến nội tiết được đẩy mạnh, cụ thể là sự tăng tiết của hormone tuyến thượng thận làm tăng cao sức đề kháng của cơ thể, đẩy mạnh quá trình trao đổi chất chống lại tác động viêm nhiễm. Tác động đồng thời lên hệ thần kinh thực vật, cải thiện hoạt động của hệ tim mạch, tăng cường cung cấp máu đến các cơ quan nội tạng và các mô, chức năng hô hấp cũng được cải thiện.
Ngoài tác động chính lên một vùng hay một cơ quan, các asana còn có tác dụng định hướng hay kích thích đến các cơ quan khác. Điều này chúng ta sẽ được thấy rõ trong phần thực hành nói về tác dụng của các tư thế. Ví dụ: bài tập ép cơ bụng, cơ hoành và bài tập vận động khớp xương chậu làm tăng nhu động ruột, kích thích hệ tiêu hóa. Các bài tập hít thở sâu có tác dụng cải thiện sự thông khí ở phế quản, mở rộng dung tích phổi, ngoài ra nó còn làm xoa bóp nội tạng và cơ hoành nâng lên và hạ xuống một cách nhịp nhàng.
Cơ thể con người có khả năng thay đổi và phục hồi, chẳng bao giờ quá trễ khi bạn thay đổi thói quen để siêng năng và kiên nhẫn để tập luyện Yoga.


EmoticonEmoticon